- Home
- Giới thiệu
- Tuyển sinh
- Đào tạo chính quy
- Đào tạo liên tục
- Chỉ đạo tuyến
- TT mô phỏng
- Thư viện
- Telehealth
- Y học trực tuyến
Kết quả 10 năm công tác đào tạo - chỉ đạo tuyến của Bệnh viện Bạch Mai (2011 - 2021)
Kim Giang và cộng sự
Bệnh viện Bạch Mai là Bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt đầu tiên trong cả nước, bệnh viện luôn là địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy của người dân; Bệnh viện đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực y tế, chuyển giao kỹ thuật, được Bộ Y tế tin tưởng, đánh giá cao và được các cơ sở y tế cùng các đồng nghiệp trong cả nước tín nhiệm.
Đào tạo nhân lực giữ vai trò quan trọng trong sự thành công của công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân thể hiện rõ trong Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Chất lượng ngành y tế hiện nay đã được nâng cao nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Số cán bộ y tế có trình độ cao, chuyên sâu còn chưa nhiều. Hiện nay số cán bộ y tế trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm tới trên 1/2 tổng số cán bộ, trong khi số cán bộ có trình độ đại học chỉ chiếm khoảng 1/3 và số cán bộ có trình độ thạc sĩ trở lên khoảng 10%.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nguồn lực trầm trọng thể hiện rõ nhất tại các vùng sâu, vùng xa, các bệnh viện tuyến dưới và các địa phương. Sự khác biệt về thu nhập và điều kiện làm việc là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng phân bố cán bộ y tế không đồng đều này giữa các khu vực.
Đào tạo liên tục cán bộ y tế đã thực sự mang lại những hiệu quả thiết thực với người bệnh, thông qua việc nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế của các cơ sở y tế tuyến trước, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân với 3.051 khóa đào tạo liên tục được tổ chức thành công cho 294.170 lượt cán bộ y tế các trình độ chuyên môn từ y tá, điều dưỡng, kỹ thuật viên y đến dược sĩ, bác sĩ, bác sĩ CK1, CK2, thạc sĩ, tiến sĩ thuộc trên 1.000 cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến trung ương đến địa phương trong cả nước.
Chỉ đạo tuyến là cầu nối giữa các bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới, là phương cách để đưa dịch vụ chăm sóc sức khoẻ có chất lượng, kỹ thuật cao từ tuyến trên về tuyến dưới. Các hoạt động chỉ đạo tuyến và luân phiên cán bộ cũng được triển khai rất hiệu quả tới tất cả các tỉnh thành phía Bắc, với 2.138 lượt Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ, những chuyên gia đầu ngành của các chuyên khoa đã tham gia đi công tác tuyến xuống giúp đỡ tuyến dưới theo kế hoạch thường quy hoặc đột xuất khi có yêu cầu như cấp cứu, ngộ độc, dịch bệnh; Chuyển giao 7.549 lượt kỹ thuật, đặc biệt 1.915 lượt kỹ thuật chuyên sâu cho 4.588 học viên thuộc 422 bệnh viện trên cả nước; 1.166 lượt cán bộ chuyên môn luân phiên về hỗ trợ 98 bệnh viện các tỉnh phía Bắc, cán bộ luân phiên đã trực tiếp khám, điều trị 195.780 lượt bệnh nhân với 2.134 bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Ngoài ra Bệnh viện luôn khẩn cấp, kịp thời tổ chức các hoạt động hỗ trợ trực tiếp nhằm ứng phó dịch COVID-19, dịch Bạch hầu, Whitmore, ngộ độc Botulinum… cử 120 đoàn công tác với 1.486 lượt cán bộ đi hỗ trợ trực tiếp tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, các tỉnh Tây Nguyên, Đắk Lắk , An Giang, Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Điện Biên,...
Chia sẻ kết quả 10 năm công tác đào tạo - chỉ đạo tuyến của Bệnh viện Bạch Mai (2011 - 2021), Ths.BS. Vũ Văn Nhân – Giám đốc Trung tâm Đào tạo – Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Bạch Mai đã đưa ra 15 định hướng để phát triển trong 10 năm tới của Bệnh viện như sau:
- Nâng cấp TDC thành Trung tâm Quốc gia về Đào tạo thực hành y học chất lượng cao
- Triển khai áp dụng hệ thống quản trị tinh gọn (LEAN), SMART CENTER và tiếp tục duy trì hệ thống quản lý chất lượng ISO, 5S.
- Kiện toàn và phát triển đào tạo mô phỏng và khảo thí Y học, hướng đến mục tiêu là cơ sở chính cho Hội đồng Y khoa Quốc gia triển khai thi cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh.
- Kiện toàn tổ chức, nhân sự, hệ thống quản trị tại TDC và nâng cấp cơ sở vật chất, tòa nhà TDC: Phòng học, phòng thu Studio Elearning, phòng họp, bảo vệ luận văn luận án…
- Thực hiện chuyển đổi số (4.0) toàn diện trong quản lý vận hành hệ thống TDC
2. Phát triển đào tạo
- Tái triển khai hoạt động đào tạo sau đại học hệ thực hành (BSNT, BSCKI, BSCKII)
- Tăng cường chất lượng và hiệu quả các chương trình đào tạo liên tục; Chuẩn hóa quy trình, chương trình đào tạo thực hành sau tốt nghiệp cho bác sĩ, dược sĩ (18 tháng), điều dưỡng, kỹ thuật viên (9 tháng).
- Triển khai mô hình đào tạo liên tục ngoài giờ hành chính nhằm đáp ứng nhu cầu của cán bộ viên chức BVBM, học viên chính quy các trường Đại học và các cán bộ Y tế có nhu cầu đảm bảo thời lượng, chỉ tiêu thực hành và chất lượng chuyên môn cao.
- Tăng cường đào tạo ngoại ngữ y học; Đào tạo nhân lực quốc tế; Phát triển dịch vụ đào tạo kỹ năng mềm, quản lý bệnh viện, quản lý chất lượng bệnh viện.
- Chuẩn hóa quy trình tiếp nhận học viên, sinh viên quốc tế đến thực hành và trao đổi chuyên môn tại BV Bạch Mai
3. Thiết lập mạng lưới viên chỉ đạo tuyến
- Thiết lập mạng lưới đào tạo và chỉ đạo tuyến trên toàn quốc thường xuyên cập nhật những kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ cần thiết liên quan đến quản lý đào tạo, phát triển nhân lực, kỹ năng mềm
- Đánh giá thực trạng, kiện toàn và phát triển hệ thống chuyên khoa, chuyên ngành đối với các chuyên khoa của BV Bạch Mai được Bộ Y tế giao nhiệm vụ đầu ngành
- Hợp tác, hỗ trợ phát triển toàn diện về chuyên môn, kỹ thuật, quản lý cho hệ thống y tế tác tỉnh khu vực phía Bắc, Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung, miền Nam
- Chuẩn hóa quy trình tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật y học (Quốc tế => BV Bạch Mai => BV tỉnh/huyện)
- Xây dựng mô hình Bệnh viện không ”Tường” thông qua việc kết nối, sẻ chia nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm tận dụng và huy động tối đa nguồn lực, cơ sở hạ tầng trong việc chăm sóc và bảo về sức khỏe nhân dân.
Hình ảnh Ths.BS. Vũ Văn Nhân chia sẻ trực tuyến tại
Hội nghị khoa học 110 năm thành lập Bệnh viện Bạch Mai
Công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến của Bệnh viện Bạch Mai được đánh giá là rất có hiệu quả trong việc nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế. Đến nay, hoạt động chỉ đạo tuyến, đào tạo liên tục của BV Bạch Mai đã và đang được triển khai sâu rộng với chất lượng tốt nhất tới hầu hết các tỉnh thành phía Bắc và cả nước mặc dù gặp không ít khó khăn thách thức do thiếu nguồn lực, đặc biệt thiếu cán bộ chuyên trách.